Ngủ bao nhiêu là đủ?


Số giờ ngủ cần thiết trong một ngày ở mỗi người có thể thay đổi tùy theo độ tuổi, yếu tố cá nhân và tình trạng sức khỏe. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra các khuyến nghị về giấc ngủ cho từng nhóm tuổi khác nhau như sau:


Người trưởng thành (18 – 64 tuổi): Đa số người trưởng thành cần khoảng 7 – 9 giờ ngủ mỗi đêm để duy trì sức khỏe tốt và cảm thấy tỉnh táo, năng động vào ban ngày.

Thanh thiếu niên (14 – 17 tuổi): Thanh thiếu niên cần từ 8 – 10 giờ ngủ mỗi đêm. Tuy nhiên, nhu cầu ngủ có thể thay đổi trong khoảng 7 – 11 giờ/ngày.

Trẻ em trong độ tuổi tiểu học (6 – 13 tuổi): Trong giai đoạn này, trẻ cần từ 9 – 11 giờ ngủ mỗi đêm.

Trẻ mẫu giáo (3 – 5 tuổi): Trẻ mẫu giáo cần từ 10 – 13 giờ ngủ mỗi đêm để có thể phát triển tối ưu.

Trẻ nhỏ (1 – 2 tuổi): Nhu cầu về giấc ngủ của trẻ trong giai đoạn 1 – 2 tuổi là từ 11 – 14 giờ ngủ mỗi ngày.

Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần từ 14 – 17 giờ ngủ mỗi ngày.

Người cao tuổi thường ngủ ít hơn, đa số có thể ngủ từ 5-7 giờ mỗi ngày hoặc ngủ ít hơn.

Một số người khác có thể cần ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn so với mức trung bình. Để biết ngủ bao nhiêu là đủ, bạn cần lắng nghe cơ thể và xác định mức ngủ tối ưu. Nếu thức dậy trong trạng thái tỉnh táo, sảng khoái và có đủ năng lượng, thì có thể bạn đã ngủ đủ giấc. Nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, thiếu tập trung, bạn cần cân nhắc thực hiện các cách cải thiện chất lượng giấc ngủ và thay đổi thời gian ngủ của mình.

Tình trạng khó đi vào giấc ngủ khi nào cần gặp bác sĩ?


Thỉnh thoảng, bạn vẫn có thể gặp tình trạng khó ngủ. Điều này có thể bình thường. Vậy khi nào thì chứng khó ngủ cần cảnh báo đi gặp bác sĩ. Triệu chứng khó ngủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu rơi vào các trường hợp điển hình sau:

Khó ngủ kéo dài: Nếu bạn trải qua triệu chứng khó ngủ kéo dài trong vòng 3 – 4 tuần hoặc lâu hơn, đặc biệt là khi khó ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày và chất lượng cuộc sống thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám. Bác sĩ sẽ xem xét, đánh giá liệu có một hay nhiều bệnh lý, vấn đề nào đó đang khiến bạn bị khó ngủ hay không.

Triệu chứng nghiêm trọng: Nếu bạn gặp triệu các chứng nghiêm trọng như ngưng thở khi ngủ, mộng du hay các rối loạn giấc ngủ khác thì cần tham khảo ý kiến từ chuyên gia về phương pháp điều trị phù hợp.

Đột ngột bị mất ngủ: Nếu trước đây bạn ngủ rất ngon và thường ngủ sâu nhưng đột ngột bị mất ngủ trong một vài ngày thì cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nào đó. Tốt hơn hết, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán.

Triệu chứng gắn liền với bệnh lý khác: Nếu khó đi vào giấc ngủ kèm theo các triệu chứng khác như lo âu, trầm cảm, đau đầu, buồn nôn… thì người bệnh cũng nên sớm đến bệnh viện để được thăm khám và đánh giá tình trạng sức khỏe.

Khó ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống: Nếu chứng khó ngủ gây mệt mỏi, làm suy giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống, bạn nên tìm cách giải quyết vấn đề này với sự hỗ trợ từ bác sĩ có chuyên môn trong lĩnh vực rối loạn giấc ngủ.

Phụ thuộc vào thuốc ngủ hoặc chất gây nghiện để ngủ: Nếu bạn khó đi vào giấc ngủ đến mức chỉ có thể dùng thuốc ngủ/chất gây nghiện để ngủ thì nên thảo luận với bác sĩ về cách ngừng sử dụng thuốc hoặc chuyển sang các phương pháp khác để cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Nhìn chung, nếu triệu chứng khó ngủ trở nên nghiêm trọng, kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng khó ngủ của bạn, tìm ra nguyên nhân và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp để cải thiện giấc ngủ.

Mới hơn Cũ hơn