Theo chuyên gia, giá vàng thế giới khả năng cao sẽ điều chỉnh giảm khi đã tăng quá nóng, kéo theo giá vàng trong nước cũng sẽ hạ. Do đó, thời điểm này có thể giữ vàng nhưng không nên mua thêm.
Giá vàng hôm nay 12/3/2024 biến động dữ dội, SJC hai lần phá đỉnh 82,5 triệu
Giá vàng hôm nay 12/3/2024 biến động dữ dội, SJC hai lần phá đỉnh 82,5 triệu
Giá vàng hôm nay 12/3/2024 trong nước vàng SJC tăng giảm liên tục, hai lần chạm đỉnh cao 82,5 triệu đồng/lượng và vẫn neo ở đỉnh cao này. Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giá vàng SJC và vàng nhẫn 9999 đến chiều 11/3 chưa ngừng đà tăng. Cụ thể, giá vàng SJC lập mức kỷ lục mới 82,2 triệu đồng/lượng (bán ra), giá mua vào chỉ 80,2 triệu đồng/lượng. Mỗi lượng có mức giá chênh lệch mua - bán tới 2 triệu đồng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp tục chinh phục đỉnh mới ở mức 71,38 triệu đồng/lượng, sau cả tuần giữ mức giá cao và chốt tuần qua 70,85 triệu đồng/lượng (đối với vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu). Đến đầu phiên sáng nay, đà tăng vẫn đang tiếp diễn.
Với diễn biến giá vàng như hiện tại, các chuyên gia có nhận định khác nhau về triển vọng của kim loại quý trong thời gian tới.
Giá vàng ở mức “đỉnh”, tiếp tục tăng hay giảm?
Chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý gia sản FIDT bảo lưu quan điểm rằng vàng SJC sẽ tăng lên 85 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn lên mức 70 triệu đồng/lượng. Đây là ý kiến đã được ông nêu lên từ cuối năm ngoái.
Đến thời điểm hiện tại, giá vàng SJC chưa tăng đến mức như ông dự báo nhưng giá vàng nhẫn đã vượt 71 triệu đồng/lượng.
Theo chuyên gia, thời điểm này, nên giữ vàng và cũng không nên mua thêm.
Lý giải thời gian gần đây, giá vàng nhẫn tăng nhanh hơn, theo ông Huấn, do nhiều người thấy được rủi ro khi mua vàng SJC nên đã đảo qua vàng nhẫn. Đây cũng là điều mà chính ông đã nhiều lần khuyến nghị với nhà đầu tư, bởi về mặt dài hạn, vàng nhẫn sẽ an toàn hơn vàng SJC.
Nhận định về xu hướng giá vàng, vị chuyên gia tài chính cho rằng, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa có lộ trình giảm lãi suất thì giá vàng không thể giảm, vẫn “neo” ở mức cao.
“Sự biến động về chính trị, xung đột trên thế giới còn căng thẳng, giá vàng vẫn đang được ủng hộ. Cùng với đó, lãi suất đang quá thấp và sẽ duy trì trong thời gian dài, kênh đầu tư chứng khoán chưa hút được dòng vốn lớn của đông người dân. Còn bất động sản đang nằm trong vùng suy thoái buộc người dân bỏ tiền mua vàng. Do đó, giá vàng khó giảm trong năm 2024”, ông Huấn nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, diễn biến giá vàng trong nước cả tuần qua cho thấy, người mua đang dịch chuyển từ vàng SJC sang vàng nhẫn 9999 nhiều hơn. Lực mua vàng nhẫn hiện chiếm đến 70% so với vàng SJC.
Cùng với đó, giá vàng thế giới có xu hướng tăng, đã đẩy giá vàng nhẫn lên mức cao.
Lý do hiện nhiều người mua vàng nhẫn nhiều hơn năm 2023, ông Phương cho rằng, do lãi suất tiết kiệm quá thấp; nếu mua vàng SJC thì khá rủi ro; còn vàng nhẫn diễn biến khá sát thị trường.
Cùng với đó, mức chênh lệch giá giữa vàng nhẫn với vàng thế giới chỉ vài triệu đồng; còn vàng SJC có mức chênh lệch quy đổi theo tỷ giá ngân hàng ở mức 15-16 triệu đồng/lượng và mức chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 2 triệu đồng/lượng là quá rủi ro.
Vị chuyên gia cho rằng, giá vàng thế giới tăng tiếp thì giá vàng nhẫn trong nước sẽ vẫn tăng theo, song ông cảnh báo, giá vàng thế giới khả năng cao sẽ điều chỉnh giảm khi đã tăng quá nóng, khoảng hơn 100 USD trong vòng một tuần qua.
“Sắp tới, giá vàng thế giới sẽ điều chỉnh giảm ít nhất khoảng 30 USD/ounce”, ông Phương dự báo.
Khi nào nên mua vàng?
huyên gia vàng Trần Duy Phương khuyến cáo, thời điểm này, nhà đầu tư không nên mua vàng bởi khi giá thế giới điều chỉnh sẽ kéo theo trong nước suy giảm trở lại.
“Nhà đầu tư có thể chờ đợi khi giá vàng điều chỉnh xuống, mua sẽ được giá tốt hơn. Còn nếu mua bây giờ, thế giới lẫn trong nước đều đang ở mức “đỉnh” thì rủi ro là khá lớn”, ông Phương nhấn mạnh.
Phân tích thêm về câu chuyện đầu tư vàng, ông Ngô Thành Huấn cho hay, năm 2012 là đáy của suy thoái, giá vàng tăng lên mức 43 triệu đồng/lượng.
Nhưng sau khi kinh tế ổn định, xu hướng hồi phục từ năm 2014, giá vàng tạo đáy ở vùng giá 36 triệu đồng/lượng. Đến năm 2019, giá vàng mới bật tăng trở lại mức giá 43 triệu đồng/lượng.
Như vậy, nếu ai đó mua vàng vào năm 2012 thì phải giữ trong 7 năm, mới quay lại được mức giá vốn. Chẳng hạn, bỏ 300 triệu đồng mua vàng, sau 7 năm, họ không được thêm xu nào.
Tương tự, ông Huấn cho hay, nếu nhìn vào câu chuyện phục hồi kinh tế vào năm 2026, giá vàng bắt đầu chu kỳ giảm và đi ngang. Còn nếu mua bất động sản, dù thị trường hiện còn khó khăn nhưng 5 năm tới, giá nhất định sẽ tăng. Như vậy, nhà đầu tư thích mua cái nào hơn?
Do đó, theo vị chuyên gia tài chính này, không tăng mua vàng thời điểm này vì có thể “đu đỉnh” bất kỳ lúc nào trong chu kỳ lên tới 10 năm. Trong khi chi phí cơ hội trong dài hạn của các lớp tài sản như bất động sản, chứng khoán lớn hơn vàng rất nhiều.
Ông Huấn khuyến nghị, thời điểm này, có thể giữ vàng nhưng cũng không nên mua thêm. Trong danh mục đầu tư, vàng không nên chiếm quá 15% tỷ trọng.
“Xu hướng giá vàng không tăng liên tục, sẽ có nhịp giảm. Vì thế, nếu muốn mua thêm, cần đợi những nhịp giá vàng điều chỉnh giảm; còn khi giá vàng đang đà tăng thì tuyệt đối không mua thêm”, ông Huấn lưu ý thêm.