Tại buổi thả phúc khí cầu ở lễ hội chùa Ông năm nay, điểm nhấn ấn tượng nhất là màn thả phúc khí cầu hình rồng dài 10m, mang đến cho hàng nghìn người dân và du khách tham gia một trải nghiệm độc đáo và ý nghĩa trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn.
Sáng 22/2, hàng nghìn người dân và du khách quốc tế đổ về Chùa Ông (Thất phủ cổ Miếu) ở TP Biên Hoà, Đồng Nai, tham dự hoạt động thả phúc khí cầu, một trong những sự kiện của lễ hội chùa Ông năm 2024.
Phúc khí cầu hình rồng độc đáo.
Tại buổi thả phúc khí cầu ở lễ hội chùa Ông năm nay, điểm nhấn ấn tượng nhất là màn thả phúc khí cầu hình rồng dài 10m, mang đến cho hàng nghìn người dân và du khách tham gia một trải nghiệm độc đáo và ý nghĩa trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn.
Phúc khí cầu linh vật rồng dài 10m được thả lên trời.
Theo ban tổ chức lễ hội, hình ảnh phúc khí cầu rồng uốn lượn bay cao tượng trưng cho sức mạnh, sự kiên cường và tinh thần vượt khó của người Việt Nam. Ngoài ra, khoảng 1.000 quả phúc khí cầu được thả bay lên trời, mang theo những ước nguyện tốt đẹp của người dân và du khách về một năm mới an khang, thịnh vượng.
Chị Nguyễn Lâm An (một du khách đến từ TP.HCM) cho biết, năm nào chị cũng đi lễ hội chùa ông ở Biên Hòa, năm nay là lần đầu tiên chị thấy một lễ hội lớn và hoành tráng đến như vậy.
“Tôi rất ấn tượng với hoạt động thả phúc khí cầu. Tôi hy vọng những ước nguyện cầu may mắn và sức khỏe cho gia đình của mình trong năm tới sẽ được thuận buồm xuôi gió”, chị An nói.
Nhiều du khách nước ngoài cũng tham gia hoạt động thả phúc khí cầu tại lễ hội chùa Ông.
Anh Nguyễn Hoàng Huấn viết lời ước nguyện cầu bình an năm mới.
Anh Nguyễn Hoàng Huấn (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: “Như mọi năm, tôi đều tham dự lễ hội chùa Ông, năm nay tôi thấy hoành tráng hơn, nhất là hoạt động thả phúc khí cầu hình rồng rất ấn tượng”.
Thất phủ Cổ miếu được kiến lập năm 1684, đến nay đã trải qua 340 năm. Lễ hội chùa Ông năm nay diễn ra từ ngày 18 đến ngày 22-2 (tức từ ngày 9 đến 13 tháng Giêng) với nhiều nghi lễ như: Nghinh thần, lễ vía Đức Ông Quan thánh Đế quân; thả phúc khí cầu, thả hoa đăng trên sông. Bên cạnh đó, Lễ hội còn có các hoạt động biểu diễn lân - sư - rồng, võ thuật, tuồng; giao lưu thư pháp Việt - Hoa, hoạt cảnh sân khấu…
Những lời cầu may mắn, ước nguyện đầu năm được người dân gửi gắm kèm những quả phúc khí cầu.
Ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Phó trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Ông cho biết, năm nay với hình ảnh linh vật rồng vàng linh vật thiêng cùng nghìn quả phúc khí cầu tô sắc trên không, ban tổ chức mong muốn gửi lời chúc và nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, xã hội an bình, tỉnh nhà thu đạt nhiều thành quả trong năm mới.
Di tích lịch sử văn hóa chùa Ông (Thất phủ cổ miếu, Miếu Quan Đế) là một di tích lịch sử kiến trúc độc đáo được xây dựng vào thế kỷ 17, được xem là cơ sở tín ngưỡng đầu tiên của người Hoa trên cả vùng Nam bộ.
Chùa Ông đã được xếp hạng di tích ở cấp quốc gia theo Quyết định số 04/2001/QĐ của Bộ Văn hóa thông tin ngày 19-2-2001.
Hàng năm, lễ hội chùa Ông diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, thu hút nhiều người dân khắp nơi đến chiêm bái. Lễ hội chùa Ông lần thứ nhất diễn ra từ ngày 19 đến 22-2-2013 (từ mùng 10 đến 13 tháng Giêng âm lịch năm Qúy Tỵ).
Lễ hội là dịp để nhân dân chiêm bái và ngưỡng vọng các bậc tiền hiền đã có công mở mang, xây dựng vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, qua đó thể hiện nét đẹp trong giao lưu văn hóa của các cộng đồng dân tộc ở địa phương.
Năm 2023, Lễ hội chùa Ông được Bộ VH-TTDL ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.