Không có bằng chứng khoa học nào gắn năng lực ngoại ngữ tương đồng với sự vượt trội ở các năng lực học tập khác. Do đó, đã đến lúc chúng ta phải trả IELTS về đúng vị trí, vai trò của nó.
Về những tranh cãi xung quanh việc sử dụng IELTS để tuyển thẳng vào lớp 10, tôi nghĩ cần phải phân tích theo 2 hướng: hiện thực xã hội và chính sách vĩ mô, tầm nhìn dài hạn.
Thực tế, việc đào tạo ngoại ngữ trong nhiều năm qua ở các tỉnh thành vẫn gặp nhiều khó khăn. Phụ huynh, học sinh và cả giáo viên đều nêu lên thực trạng “học để thi” chứ không phải “học để sử dụng giao tiếp”. Đây là vấn nạn mang tính lịch sử của việc đào tạo tiếng Anh trong suốt 3 thập kỷ qua ở nhiều nơi.
Để xử lý vấn đề này, ngoài đề án quốc gia, Sở GD-ĐT và UBND cấp tỉnh đều xây dựng Đề án ngoại ngữ theo hướng tăng cường, xã hội hoá nguồn lực đào tạo để thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Anh trên địa bàn. Việc này đã giúp một số địa phương đạt được những kết quả nhất định như sự tiến bộ về năng lực ngoại ngữ của học sinh, phản ánh qua phổ điểm thi môn tiếng Anh tại các kỳ thi do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Tuy nhiên về cơ bản, hoạt động giảng dạy tiếng Anh trong các trường công lập vẫn chưa có nhiều thay đổi lớn, ngay cả khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong khi đó, xu hướng này đã góp phần tạo ra sự bùng nổ của việc luyện và thi chứng chỉ IELTS.
Sự tăng trưởng của thị trường đào tạo IELTS và giá trị công nhận quốc tế của loại chứng chỉ này đã tạo nên “cơn sốt”, từ đó khiến IELTS dần trở thành một điểm mốc giáo dục và nhiều tỉnh thành cũng đưa ra các chính sách tuyển thẳng với những học sinh chuyển cấp.
Tôi cho rằng, việc chương trình ngoại ngữ chính khoá không luyện thi IELTS nhưng lại dùng chứng chỉ này để làm tiêu chí ưu tiên đã dẫn tới những tranh cãi như hiện nay.
Một số nhận định cho rằng học sinh đạt điểm IELTS cao thường là những em học tốt các môn học còn lại. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào gắn năng lực ngoại ngữ tương đồng với sự vượt trội ở các năng lực học tập khác.
Thực tế, chi phí để luyện thi IELTS vốn là một con số không hề nhỏ. Các học sinh có đủ điều kiện tài chính để học và thi IELTS cũng thường là nhóm có lợi thế về đầu tư giáo dục. Do đó, đây cũng chính là nhóm đối tượng có những thành tích khác tốt hơn. Điều này khiến nhiều địa phương tự tin tuyển thẳng những học sinh có thành tích IELTS. Cách làm này giảm chi phí quản lý nhà nước, nhưng phần nào đặt gánh nặng đó cho chi giáo dục của các hộ gia đình.
Do vậy, câu hỏi đặt ra rằng, ngoài việc chuyển đổi điểm ngoại ngữ theo chứng chỉ quốc tế, việc lấy chứng chỉ tiếng Anh làm thước đo cho một chính sách ưu tiên phổ rộng có phù hợp hay không, nhất là khi chúng ta đang hướng tới “phổ cập” và “giáo dục toàn diện” chứ không phải giáo dục chuyên ngữ?
Về tầm nhìn dài hạn, tôi cho rằng các chính sách cần đảm bảo tính phát triển bền vững, trong đó việc thu hẹp khoảng cách bình đẳng là một trụ cột. Giáo dục trong tương lai cần là một nền giáo dục chủ động, linh hoạt, không phụ thuộc. Chúng ta cần nghĩ đến các giải pháp mang tính dài hơi như: Tăng số lượng, chất lượng hệ thống trường công lập; điều chỉnh quy hoạch nhân lực để chất lượng đào tạo ngày càng đồng đều; điều chỉnh quy chế tuyển sinh theo hướng giảm tải áp lực cho xã hội, nghiên cứu khả thi các cơ chế phân quyền phù hợp cho địa phương…
Không phủ nhận chất lượng và giá trị của kỳ thi IELTS, nhưng tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần trả IELTS về đúng vị trí, vai trò của nó: là thang đo năng lực tiếng Anh được quốc tế công nhận, nhằm đình hình các quyết định về du học, nhập cư, làm việc. Nó có giá trị quy đổi với các thang đo năng lực Anh ngữ khác để đa dạng hoá lựa chọn cho học sinh và không có giá trị nào khác với học thuật nói chung. Với các địa phương có định hướng rõ ràng về việc cần thiết phải đẩy mạnh đầu vào năng lực ngôn ngữ, cần có sự đồng thuận cao giữa các chủ thể thụ hưởng của người dân trên địa bàn.
Thiết nghĩ, với các chính sách vĩ mô và cần tầm nhìn dài hạn, Bộ GD-ĐT với tư cách là cơ quản quản lý nhà nước có thể song hành với các địa phương đưa ra quy định phù hợp, vừa có sự định hướng rõ ràng, đáp ứng nhu cầu hiện thực xã hội, tránh việc điều chỉnh gấp rút, ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của học sinh, phụ huynh trong lộ trình giáo dục.