Sở, phòng giáo dục cần ‘đứng ngoài’ các cuộc thi quốc tế

 Trước sự bát nháo khi hàng loạt cuộc thi “bủa vây” trường học, ông Tuấn cho rằng các cơ quan quản lý như sở, phòng cần đứng “ngoài cuộc” thay vì đánh công văn tới các trường.

Là người thường dẫn học sinh tham gia các cuộc thi Toán quốc tế, ông Đặng Minh Tuấn, giáo viên tại Hà Nội, nhẩm tính riêng trong lĩnh vực Toán học hiện nay có khoảng trên 50 cuộc thi liên quan. Hầu hết các cuộc thi này không phải do Bộ GD-ĐT tổ chức mà do các công ty, trung tâm kinh doanh giáo dục điều hành. 

“Khi số lượng cuộc thi quá nhiều, lại đưa vào trường học tràn lan với đủ tên gọi khiến phụ huynh dễ bị loạn”, ông Tuấn thẳng thắn.

Dẫu vậy, theo ông có hai lý do khiến phụ huynh hiểu nhầm nên đã đổ xô cho con tham gia. Thứ nhất, các cuộc thi này được gọi bằng những tên “rất kêu”, gắn mác “quốc tế” làm tăng phần uy tín. Trong khi đơn vị tổ chức có thể chỉ là một nhóm, đôi khi là một trung tâm tư nhân đứng lên tổ chức. Chẳng hạn cuộc thi do một đơn vị tư nhân ở Đông Nam Á phát động, khi về Việt Nam, cuộc thi bỗng trở thành “kỳ thi quốc tế...”.

Ngoài những phụ huynh không biết, ông Tuấn cho rằng có thể nhiều cha mẹ cũng biết nhưng cố tình lờ đi. 

“Thực tế nhiều cuộc thi quốc tế chỉ mang tính giao lưu nên tỷ lệ học sinh được giải rất lớn. Dẫu vậy, phụ huynh lại coi đó như thành tích đáng ngưỡng mộ của con em mình”.

Lý do thứ hai khiến phụ huynh hiểu lầm, theo ông Tuấn, là do sở, phòng đánh công văn xuống, đôi khi cách giới thiệu của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm khi nhắn tin vào các nhóm lớp gây ra hiểu lầm. Nhưng ông Tuấn cũng đặt ra băn khoăn, liệu có sự liên quan, lợi ích cá nhân khi đưa tên các kỳ thi vào văn bản.

“Thực tế, khi tên các cuộc thi xuất hiện trong văn bản của sở, phòng đã vô tình quảng bá, khiến phụ huynh tin đó đều là các cuộc thi uy tín, chất lượng”.

                Ông Đặng Minh Tuấn 

Cũng theo ông Tuấn, trong số các cuộc thi Toán hiện nay, nếu đánh giá về chất lượng, trừ những cuộc thi do Bộ GD-ĐT cầm trịch, còn lại chất lượng rất khó kiểm chứng và phần lớn không như mọi người tưởng.

“Thực tế để tổ chức một kỳ thi chất lượng rất khó. Muốn vậy, cần phải có một đội chuyên gia dày dặn kinh nghiệm nghiên cứu ra đề, đảm bảo tính phân hóa, vừa phát triển tư duy cho học sinh, vừa thấu hiểu từng lứa tuổi cần đảm bảo những kiến thức, kỹ năng gì. Điều này không phải đơn vị nào cũng làm được”, ông Tuấn nói. 

Mặc dù cho rằng việc có một đơn vị độc lập tạo ra các cuộc thi chất lượng để học sinh tự kiểm tra, đánh giá khả năng, từ đó nhìn nhận được năng lực thật của mình và có thể điều chỉnh lộ trình tốt hơn là điều cần thiết, nhưng ông Tuấn cho rằng nếu cuộc thi ấy không chất lượng cũng sẽ gây phản tác dụng.

“Nhiều học sinh tham gia các kỳ thi nhẹ nhàng không khó để giành được huy chương Vàng, nhưng đến kỳ thi khác lại không đạt được huy chương gì. Việc đánh giá không đúng năng lực thật dẫn tới lộ trình tiếp theo bị sai lệch. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm”.

Mặt khác, theo ông Tuấn, việc cho trẻ tham gia nhiều cuộc thi cũng sẽ gây tốn kém bởi các cuộc thi này thường mang tính thương mại cao. Học sinh phải trải qua nhiều vòng thi, mỗi vòng sẽ có mức lệ phí khác nhau và thường tăng dần.

Vì thế, ông Tuấn cho rằng các phụ huynh cần thông thái hơn khi lựa chọn các cuộc thi cho con em mình tham gia. Các cuộc thi cần phải phù hợp với mục tiêu để trẻ có động lực phấn đấu học hành, rèn được bản lĩnh thi cử và bổ sung các kiến thức còn thiếu hụt.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, các cơ quan quản lý giáo dục cũng cần phải đứng ngoài cuộc những kỳ thi này.

"Kỳ thi có ích là kỳ thi tạo hứng thú và giúp trẻ yêu thích việc học Toán, Khoa học…

Khi kỳ thi có chất lượng thật, thị trường, phụ huynh sẽ tự lựa chọn. Như vậy, bản thân cuộc thi ấy sẽ tự khẳng định có uy tín hay không. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng phải có sự “tuýt còi” hoặc đưa ra các quy định để kiểm soát điều này”, ông Tuấn đề xuất.

Mới hơn Cũ hơn